Đầu tư 60.032 tỷ xây tuyến đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ

Theo đề xuất của Viện Khoa học công nghệ Phương Nam, UBND Tp.HCM vừa đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh quy hoạch hướng tuyến đường sắt Tp.HCM – Cần Thơ mà năm 2013 bộ này đã phê duyệt.

Cụ thể, tuyến đường dài 139,6km, có 9 ga. Trong đó, chiều dài tuyến, ga đi trên cao và cầu vượt sông là 38,83km; chiều dài tuyến và ga đi trên mặt đất là 100,77km.
Theo quy hoạch mà Bộ GTVT đã phê duyệt năm 2013, chiều dài tuyến đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ là 140,68km với 63,77km đi trên mặt đất, 76,91km đi trên cao và cầu vượt sông.
Chiều dài tuyến nằm trên địa phận Tp.HCM là 6,72km, bắt đầu từ ga lập tàu An Bình, tỉnh Bình Dương đến ga Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Hướng tuyến được giữ nguyên như quy hoạch được duyệt. Từ ga Tân Kiên, tuyến đi song song với đường Tân Tạo - Chợ Đệm (cách khoảng 107m về phía Tây), vượt qua Rạch Tam, sông Chợ Đệm và cách nút giao Chợ Đệm của Dự án đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, rẽ phải đi song song với tuyến đường bộ cao tốc Tp.HCM - Trung Lương phía bên trái.
Sơ đồ hướng tuyến của đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ. Ảnh: Internet
Trên địa phận tỉnh Long An, chiều dài tuyến là 28,33km, đi trên cao song song với tuyến cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, vào ga Thanh Phú (ga kết nối với nhánh đường sắt ra cảng Hiệp Phước), đi trên cao vượt qua nút giao Bến Lức và sông Vàm Cỏ Đông, chạy song song với tuyến đường bộ cao tốc vào ga Tân An, ra khỏi ga Tân An, vượt qua sông Vàm Cỏ Tây, Quốc lộ 62 và đi hết địa phận tỉnh Long An.
Tại tỉnh Tiền Giang, tuyến dài 65,44km. So với quy hoạch, toàn bộ hướng tuyến tại tỉnh này được điều chỉnh về phía Tây. Tuyến đi vào tỉnh Tiền Giang trên hành lang an toàn tuyến đường bộ cao tốc (bên trái) qua ga Tam Hiệp, ga Cai Lậy và tiếp tục cặp theo tuyến đường bộ cao tốc, rẽ trái vượt qua Quốc lộ 1 đi về Mỹ Thuận (trùng với hướng tuyến được quy hoạch) và đi hết địa phận tỉnh Tiền Giang.
Tại TP. Cần Thơ, tuyến có chiều dài 5,18km, trùng với hướng tuyến quy hoạch.
Chi phí xây lắp và thiết bị của tuyến đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ sau khi được thay đổi đã giảm 17.470 tỷ đồng so với quy hoạch được duyệt, chỉ còn 60.032 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư, tuyến đường mới còn giảm khối lượng GPMB, thuận tiện kết nối các phương thức vận tải khi đi chung với hàng lang an toàn của tuyến đường bộ cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, qua khu vực ít dân cư.
(Theo Báo Đầu tư Online)
Chuyên mục:

NHẬN XÉT&BÌNH LUẬN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét