Bất động sản Cần Thơ đã hết ảm đạm
Trong những tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản tại TP. Cần Thơ bắt đầu sôi động trở lại với bước tăng trưởng vượt bậc cả về giá và số lượng giao dịch.
Tăng mạnh giá và giao dịch
Sau thời gian dài ảm đạm, bước chuyển biến trên chính là chỉ báo về sự phục hồi của thị trường bất động sản Cần Thơ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng vẫn lo ngại hiện tượng “sốt giá” bất ngờ có thể khiến thị trường tiềm ẩn hệ quả khó lường.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ cho thấy, tính đến nay, trên địa bàn có tổng cộng 26 dự án nhà ở đã và đang triển khai thực hiện trên diện tích 887,5 ha. Các dự án có lượng căn hộ theo quy hoạch là 11.327 căn và tổng vốn đầu tư khoảng 8.524 tỷ đồng.
Từ vài tháng trở lại đây, khi thị trường xuất hiện một số dự án mới chào bán, một số khu vực đã ghi nhận mức giá bất động sản tăng từ 50-70%, thậm chí một số nơi còn tăng 100-120%, chủ yếu là đất nền và nhà ở riêng lẻ.
Đơn cử, tại dự án khu dân cư Hồng Loan, nếu vào đầu năm 2017, nếu mua góp vốn (chưa có sổ đỏ) giá các nền đất chỉ từ 5-7 triệu đồng/m2, thì nay đã tăng gấp đôi, từ 11-17 triệu đồng/m2.
Theo dự đoán của giới kinh doanh, khi khu dân cư này có sổ đỏ và cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ hoàn thành, giá đất dự án sẽ còn tăng hơn nữa.
Thời điểm đầu năm 2017, tại quận Ninh Kiều, các khu đất nền thuộc dự án khu dân cư 91B, khu dân cư cán bộ Trường Đại học Cần Thơ, khu dân cư Hồng Phát... có giá chào bán chỉ từ 700 triệu - 1 tỷ đồng thì nay giá đã tăng lên 1,5 - trên 2 tỷ đồng/nền, tùy vị trí, diện tích.
Cùng thời gian này, đất nông nghiệp phân lô tự phát có giá 3 triệu đồng/m2 nhưng nay đã tăng lên 6-8 triệu đồng/m2, với đất thổ cư giá còn cao hơn nữa.
Toàn cảnh TP. Cần Thơ. Ảnh: Duy Khương/TTXVN |
Ngay cả những khu vực xa trung tâm thành phố, giao thông không thuận tiện, trước đây chẳng mấy ai mua như khu tái định cư Trung tâm Văn hóa Tây Đô, khu dân cư Hưng Phú 1, khu dân cư 586 và cả khu dân cư Thiên Lộc ở xa nhất Nam Cần Thơ thì nay giá đất nền cũng tăng gấp đôi chỉ sau một năm.
Tình trạng giá đất leo thang như trên đã giúp người dân nơi đây có cơ hội đầu tư "siêu lợi nhuận".
Chẳng hạn, anh Hồ Thanh Phú (ngụ quận Ninh Kiều, Cần Thơ) mua một lô đất nền 80m2 ở khu dân cư Hồng Phát. Thời điểm anh mua hồi tháng 11/2017, lô đất có giá khoảng 500 triệu đồng. Đến tháng 4/2018, anh Phú bán lại được 650 triệu đồng, trừ các các khoản chi phí đầu tư và tiền lãi trả ngân hàng, anh Phú vẫn thu lợi hơn 100 triệu đồng. Nghĩa là, sau gần 5 tháng, anh Phú đã lãi hơn 20% giá trị suất đầu tư.
Theo ông Thiều Quang Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ, sở dĩ bất động sản Cần Thơ sôi động trở lại là do thị trường chung tăng, so với các kênh khác như vàng, chứng khoán, tiết kiệm ngân hàng thì dòng tiền đổ vào đất nhiều hơn.
Một nguyên nhân nữa là TP. Cần Thơ đã có chủ trương rà soát và siết chặt tiến độ các dự án đầu tư bất động sản nên góp phần tích cực minh bạch thông tin thị trường, chất lượng sản phẩm đầu ra được đảm bảo hơn, tạo tâm lý tốt cho khách hàng khi giao dịch.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến tác động từ sự nhộn nhịp của thị trường bất động sản khu vực phía Nam và một số thông tin đầu tư hạ tầng như tuyến đường sắt cao tốc nối Cần Thơ với Tp.HCM...
Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn như Vingroup, Novaland đổ về Cần Thơ phát triển các dự án bất động sản, ngoài dự án đơn lẻ còn có cả các dự án du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn, đa dạng sản phẩm như shophouse, condotel tương tự như tại Nha Trang, Đà Nẵng...
Thị trường có xảy ra bong bóng?
Ông Thiều Quang Thái, cho rằng người dân không cần lo lắng thị trường bị đóng băng do “bong bóng nhà đất”, bởi trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, những đợt “sốt đất” như thời gian vừa qua chưa gây tác động lớn cho thị trường chung.
Nhìn chung, giá đất vẫn giữ được đà tăng tự nhiên, bắt nguồn từ nhu cầu thực của người dân và các nhà đầu tư là chủ yếu chứ không phải "sốt ảo" do môi giới hay đầu cơ làm giá, thao túng.
Trái với sự lạc quan trên, giới kinh doanh bất động sản vẫn tỏ ra e ngại việc thị trường nhà đất tăng giá đột biến sẽ kéo theo nguy cơ phá vỡ sự cân bằng và phát triển ổn định, nhất là khi thu nhập của người dân hiện vẫn thấp hơn khá nhiều so với giá bán bất động sản.
Nếu giá tăng nóng và mất kiểm soát, bong bóng bất động sản vẫn có thể xảy ra tại thị trường Cần Thơ. Ảnh minh họa |
Ông Lê Phương Đông, Ban chấp hành Hội môi giới bất động sản Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng thị trường bất động sản Cần Thơ đang có điểm hạn chế rất lớn là thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với thu nhập của số đông dân cư đô thị.
Thực tế cho thấy, mặc dù các giao dịch mua bán tại các khu dân cư, đất nền xuất phát từ nhu cầu thực của người dân, nhưng chủ yếu lại là nhu cầu mua đi bán lại hưởng chênh từ các lô nền cũ đã hình thành từ 5-10 năm nay. Trong khi đó, lượng người có nhu cầu nhà để ở lâu dài khá ít, dù họ có nhu cầu chỗ ở rất lớn, đặc biệt là nhóm người dân có thu nhập thấp.
Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do các dự án nhà ở xã hội, chung cư tuy có giao thông thuận tiện, gần trung tâm thành phố nhưng giá bán vẫn khá cao, trung bình từ 600-700 triệu đồng/căn; thậm chí giá bán tại nhiều dự án còn ngang ngửa với các dự án đất nền, nhà ở trong hẻm hoặc vùng ven thành phố.
Thực trạng trên khiến giao dịch các dự án nhà thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội tại thành phố trở nên trì trệ trong suốt thời gian qua.
Chẳng hạn trường hợp dự án nhà ở xã hội Gia Phúc do Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ làm chủ đầu tư. Đây là dự án nhà ở đầu tiên dành cho công nhân trên địa bàn, quy mô gồm 490 căn hộ nhưng mở bán từ năm ngoái đến năm nay cũng chỉ giao dịch được khoảng 20-30%.
Theo ông Đông, đại đa số người dân vẫn có thu nhập tăng khá chậm, vậy nên cần phải từng bước nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để rút ngắn dần khoảng cách giữa giá bất động sản với khả năng mua được nhà của người dân.
Hơn nữa, một khi giá đất tăng phi mã trong thời gian dài mà không có biện pháp bình ổn thì nhu cầu của thị trường sẽ bị phản ánh sai lệch, dẫn đến tình trạng “sốt đất ảo” như nhiều người lo ngại.
Ông Đông cho rằng, yêu cầu cấp thiết hiện nay là thành phố cần thực hiện ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ để nâng cấp các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại. Việc triển khai phải đảm bảo yêu cầu về an toàn, chất lượng nhưng giá cả cũng cần hợp lý hơn. Cùng với đó, thành phố cũng cần kết hợp các chính sách hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để giúp phần lớn người dân có mức thu nhập vừa phải có thể mua được nhà.
(Theo Vietnam+)
Chuyên mục:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét