Chậm làm “sổ đỏ” cho dân có thể bị phạt 1 tỉ đồng

Chính phủ vừa ban hành nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trong đó quy định mức phạt thấp nhất 500.000 đồng và mức phạt cao nhất 1 tỉ đồng.
Chậm làm "sổ đỏ" cho dân có thể bị phạt 1 tỷ đồng.
Đáng lưu ý nghị định lần này cơ bản đã nâng gấp đôi mức phạt đối với nghị định 105 ban hành năm 2009, trong đó hành vi bị xử phạt cao nhất của nghị định cũ 500 triệu đồng thì nay nâng lên thành 1 tỉ đồng.
Đặc biệt, lần đầu tiên nghị định của Chính phủ quy định mức phạt đối với hành vi chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận (“sổ đỏ”) cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở.

Theo đó, nghị định này quy định đối với trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp “sổ đỏ” cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở mà chậm làm thủ tục cấp “sổ đỏ” kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở, tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt 10 triệu đồng – 1 tỉ đồng.
Cụ thể, mức phạt cao nhất đối với hành vi chậm làm thủ tục cấp “sổ đỏ” cho người dân được quy định từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng được áp dụng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cấp “sổ đỏ” cho từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên và chậm từ trên 12 tháng trở lên.
Cũng theo nghị định Chính phủ vừa ban hành, mức phạt thấp nhất 500.000 đồng – 1 triệu đồng được áp dụng cho hành vi đưa chất thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác (tại khu vực nông thôn); hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân khác trong cùng xã, phường, thị trấn khi chưa có “sổ đỏ” hoặc quyết định giao đất, đất đang có tranh chấp, đất đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án, đất đã hết thời hạn sử dụng nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn; hành vi không đăng ký đất đai lần đầu.
Tương tự, nghị định cũng quy định, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Chuyên mục:

NHẬN XÉT&BÌNH LUẬN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét