Nâng tầm phát triển từ nhiều nguồn lực
Thời gian qua, TP Cần Thơ phát triển đầy ấn tượng về cơ sở hạ tầng, về môi trường đầu tư, kinh doanh trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với vị thế cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Kông và có quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng, thành phố đã và đang nỗ lực khắc phục những khó khăn, thách thức để phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế sẵn có và thu hút thêm nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Nâng tầm
Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, gồm có 5 quận và 4 huyện (trong đó có 5 thị trấn). Trên địa bàn thành phố đến nay có các đồ án quy hoạch như sau: Quy hoạch chung TP Cần Thơ, và Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị, quy hoạch chung thị trấn, quy hoạch phân khu đô thị, đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới. Việc lập, thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch được thực hiện tuân theo Luật Quy hoạch đô thị 2009, Quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới (gồm 36 xã) đã được phê duyệt hoàn tất vào năm 2011. Kể từ khi Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù trên địa bàn thành phố được thực hiện tuân theo quy định của Luật Xây dựng.
Khu phức hợp cao tầng và nhà phố thương mại Vincom shophouse. Ảnh: MINH HUYỀN |
Trong quá trình đầu tư phát triển, TP Cần Thơ luôn đa dạng các hình thức huy động vốn đầu tư, tăng tỷ trọng đầu tư các thành phần kinh tế ngoài ngân sách. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 3 năm (2016-2018) ước thực hiện 156.840 tỉ đồng, tăng bình quân 11,9%/năm. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Việc thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội đã góp phần hình thành các khu đô thị mới; một số khu chức năng đặc thù như: Cầu đi bộ, các công trình dịch vụ phức hợp như khu phức hợp cao tầng và nhà phố thương mại Vincom shophouse, khách sạn 5 sao Mường Thanh, Khu đô thị du lịch sinh thái Cồn Ấu... Bên cạnh nguồn lực xã hội, thành phố thực hiện phân bổ, quản lý sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước theo hướng nâng cao vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, phát huy hiệu quả sử dụng vốn ODA và tính chủ động của ngân sách địa phương trong đầu tư phát triển, đảm bảo phù hợp với các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; cơ bản hoàn thành Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - Tiểu dự án TP Cần Thơ; đang triển khai Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị.
Nhận diện tiềm năng và sức hút của thành phố, một số nhà đầu tư đã và đang nghiên cứu đầu tư các dự án hạ tầng du lịch quy mô lớn, hạ tầng đô thị. Thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành chủ động cung cấp các thông tin liên quan đến dự án cho các nhà đầu tư có quan tâm, hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách và các thủ tục cần thiết khi nhà đầu tư triển khai dự án. Bên cạnh đó, thành phố cũng huy động nguồn lực Trung ương và địa phương để tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ cho nhà đầu tư tốt nhất có thể.
Huy động hợp lý nguồn lực
Sự góp mặt của các nhà đầu tư đã và đang tạo nên diện mạo mới đồng thời nâng tầm phát triển cho TP Cần Thơ. Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NOVA, cho biết: Tập đoàn Novaland hiện là công ty niêm yết trong nhóm VN30. Bên cạnh việc tập trung vào mảng phát triển kinh doanh nhà ở tại thị trường TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đã phát triển thêm nhiều dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại các địa phương có tiềm năng du lịch, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm như Đồng bằng sông Cửu Long. Tại Cần Thơ, Tập đoàn Novaland cũng đã tập trung đầu tư với những dự án cụ thể như khởi động với Khu nghỉ dưỡng cao cấp Azerai Cần Thơ nay đã hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động; Dự án chuyển đổi Bến phà Cần Thơ cũ thành Bến tàu du lịch trung tâm, phát triển các tuyến du lịch trên sông, nối kết với các tỉnh và các nước trong khu vực; gián tiếp hỗ trợ việc khai thác sân bay Cần Thơ thật hiệu quả…
Thực tế cho thấy, dù có nhiều tiềm năng, lợi thế song TP Cần Thơ vẫn còn đối mặt với không ít thách thức. Trong đó, nguồn vốn đầu tư công còn hạn hẹp. Tính liên kết giữa kết cấu hạ tầng giao thông, thông tin, thương mại, dịch vụ của thành phố với các tỉnh lân cận còn chưa đồng bộ. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng vừa mang lại hiệu quả tích cực nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho thành phố.
Theo ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, năm 2019 là năm “bản lề”, có ý nghĩa “nước rút” và quan trọng trong việc góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Cần Thơ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2016-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020. Nhiệm vụ năm 2019 đặt ra yêu cầu rất cao là đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, nâng thêm một bước vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của TP Cần Thơ đối với vùng ĐBSCL. Theo đó, UBND thành phố sẽ có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai rà soát, xây dựng hoàn chỉnh Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Đầu tư công năm 2019 theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành Trung ương.
MINH HUYỀN
Chuyên mục:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét