Phát triển khu dân cư trong khu công nghiệp: Xu thế tất yếu

Khi bất động sản (BĐS) công nghiệp lên ngôi, việc phát triển khu dân cư trong khu công nghiệp (KCN) nhằm tạo môi trường sống và làm việc tốt cho chuyên gia và người lao động trở thành xu hướng tất yếu để phát triển KCN bền vững.

BĐS công nghiệp gồm BĐS về sản xuất và BĐS về đô thị – dịch vụ. Trong đó, BĐS về sản xuất là các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp (KCN), nhà xưởng cho thuê, kho bãi, văn phòng cho thuê và các dự án đầu tư mặt bằng phục vụ sản xuất công nghiệp… Còn BĐS về đô thị – dịch vụ là khu dân cư và các tiện ích, dịch vụ đi kèm như bệnh viện, trường học, các trung tâm nghiên cứu và một số công trình kinh tế xã hội khác.
Theo nhiều chuyên gia, thị trường BĐS năm 2019 duy trì được sự phát triển ổn định, không có “bong bóng” nhưng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Thách thức lớn nhất là thiếu quỹ đất trầm trọng. Ở khu vực phía Nam, từ giữa năm 2018 đến nay, nguồn cung của TP.HCM đã có sự chững lại và hạn chế. Từ đó khiến thị trường vùng ven như Đồng Nai, Bình Dương, Hậu Giang, Sóc Trăng lại sôi động và nhanh chóng “hút” nhà đầu tư. Để phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã có có cuộc “di cư” sang các vùng ven để tìm kiếm quỹ đất cũng như lên kế hoạch đầu tư mới.
Thị trường bất động sản công nghiệp vùng ven sôi động

Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2019 – 2020, BĐS công nghiệp sẽ là xu hướng chủ đạo. Loại hình này có nhiều tiềm năng nhờ xuất phát từ việc dịch chuyển nhà máy sản xuất tới Việt Nam của các tập đoàn đa quốc gia sau căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung, cùng với đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, nhiều doanh nghiệp địa ốc bắt đầu chú ý đến BĐS công nghiệp với các phân khúc mới của nó.
Phải thừa nhận sự phát triển rầm rộ của BĐS công nghiệp nói chung và KCN nói riêng ở các đô thị vệ tinh hiện nay. Tuy nhiên, việc phát triển các KCN ở một số vùng còn nhiều bất cập. Trong đó, cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ và hiện đại. Đặc biệt là chưa tạo ra được khu dân cư và các công trình xã hội để đem lại môi trường sống và làm việc tốt cho chuyên gia và người lao động. Từ đó dẫn đến quá trình đô thị hóa chưa được đáp ứng, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững cho KCN nói riêng và nền kinh tế nước nhà nói chung.

Vì vậy, vấn đề thiết yếu được quan tâm là việc phát triển bền vững KCN phải đi đôi với phát triển khu dân cư và các tiện ích xã hội đi kèm. Sau Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, việc quy hoạch KCN – đô thị – dịch vụ là mô hình mới đang được nhà đầu tư quan tâm. Mô hình KCN – đô thị – dịch vụ là mô hình kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững của KCN. Cụ thể, khi quy hoạch khu công nghiệp phải gắn liền với phát triển khu dân cư và các công trình xã hội, tạo được sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã phát triển thành công mô hình này, như Hàn Quốc, Đức, Trung Quốc, Thái Lan… Tại Việt Nam, một số chủ đầu tư KCN cũng đầu tư đồng bộ khu đô thị, dịch vụ liền kề KCN, tạo tổng thể KCN – đô thị – dịch vụ, như KCN – đô thị – dịch vụ VSIP (Bình Dương), Bắc Ninh, Quảng Ngãi… Riêng ở Hậu Giang, nổi bật với các huyện Châu Thành, Châu Thành A đang tập trung nhiều cụm KCN vẫn chưa giải quyết bài toán về khu đô thị – dịch vụ để giải quyết vấn đề nhà ở và môi trường sống cho chuyên gia và người lao động. Như cụm KCN Đông Phú, Phú Hữu A,… quy tụ hơn hàng chục nghìn công nhân và chuyên gia nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở và môi trường sống tiện ích cho chuyên gia và công nhân tại đây.
Như vậy, phát triển khu dân cư trong KCN là xu thế tất yếu và giúp KCN nói riêng, BĐS công nghiệp nói chung phát triển bền vững. Đây chính là thời điểm nhiều doanh nghiệp địa ốc nên đầu tư, mang đến giải pháp về nhà ở cho chuyên gia và người lao động.
Theo dân trí

Chuyên mục:

NHẬN XÉT&BÌNH LUẬN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét