Dự án thương mại có thể không phải dành quỹ đất xây nhà xã hội

Chủ đầu tư dự án thương mại không cần dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội, theo đề xuất của Bộ Xây dựng.

Hiện, các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội. Tại tờ trình Chính phủ ngày 8/4, Bộ Xây dựng - cơ quan soạn thảo dự Luật Nhà ở (sửa đổi) - đề nghị bỏ quy định này, sau khi tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ này cũng kiến nghị một số chính sách đối với nhà ở xã hội như bỏ thời hạn hợp đồng thuê tối thiểu 5 năm. Cùng với đó, giá thuê nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, lực lượng vũ trang sẽ là thoả thuận giữa chủ đầu tư và người thuê. Bởi nếu chủ đầu tư xác định giá cho thuê như phương án tại bản dự thảo luật trước đây, có thể dẫn tới trường hợp giá cao, và người dân sẽ không đủ khả năng chi trả.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng làm rõ hơn quy định về nguồn tiền hỗ trợ chủ đầu tư làm nhà ở xã hội là nguồn thu từ tiền sử dụng đất, thuê đất. Cơ quan soạn thảo kiến nghị bổ sung thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong dùng nguồn tiền này để đầu tư, xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân. Trường hợp UBND đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì chủ đầu tư sẽ được chọn theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh.

Khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân, tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được giao đất không thu tiền bằng hình thức miễn tiền sử dụng đất. Các quy định này nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đề án được Thủ tướng phê duyệt hồi đầu tháng 4, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2030 xây được ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, tổng vốn dự kiến là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa.

Liên quan tới thời điểm có hiệu lực sớm các quy định về nhà ở xã hội, Bộ này đưa ra hai phương án. Phương án một, các chính sách phát triển nhà ở xã hội có hiệu lực sau 45 ngày từ thời điểm Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua. Phương án hai, không quy định thời điểm có hiệu lực sớm các quy định liên quan tới nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ chọn phương án một để trình Quốc hội, tức chính sách phát triển nhà ở xã hội có hiệu lực sớm, 45 ngày sau khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua. Lý do, các chính sách về nhà ở xã hội có hiệu lực thi hành sớm sẽ thúc đẩy nguồn cung, tháo gỡ khó khăn và giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Trước các đề xuất của cơ quan soạn thảo, tại cuộc họp ngày 10/4 về xây dựng pháp luật tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần tạo điều kiện, khuyến khích đầu tư và đảm bảo công khai, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm.

Bộ Xây dựng được giao phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Quốc hội tiếp thu, hoàn thiện dự án luật. Dự kiến dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến, thảo luận tại kỳ họp vào tháng 5 tới.

Anh Minh

Chuyên mục:

NHẬN XÉT&BÌNH LUẬN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét