Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngân hàng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngân hàng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thống đốc: 'Đã có ngân hàng cho vay gói nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng'

Có 24 dự án nhà ở xã hội được công bố và một số nhà băng bắt đầu cho vay gói 120.000 tỷ, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Thông tin này được bà Hồng chia sẻ tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, ngày 4/7.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có 15 dự án nhà ở xã hội của Bắc Giang, Trà Vinh và Tây Ninh được công bố, trong đó, có 5 dự án đã được cấp phép xây dựng. Ngoài ra, ba địa phương là Bình Định, Phú Thọ và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã công bố 9 dự án nhà ở xã hội.

"Các địa phương cấp phép xây dựng các dự án sẽ được các tổ chức tín dụng cho vay", Thống đốc nói. Đến nay, bà cho biết đã có một số ngân hàng như BIDV, Argibank bắt đầu cho vay gói tín dụng này.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: SBV

Gói tín dụng 120.000 tỷ đã triển khai từ đầu tháng 4 nhằm hỗ trợ cho vay chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay trung và dài hạn trên thị trường. Tuy nhiên, tới nửa đầu năm nay, theo Bộ Xây dựng vẫn chưa có dự án nào để cho vay. Do các địa phương lúc đó đang trong quá trình tổng hợp, công bố dự án nằm trong nhóm được vay. Bên cạnh đó, các dự án hầu hết mới chỉ trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư.

Tại hội nghị, người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết tính đến hết tháng 5, tín dụng chảy vào kinh doanh bất động sản tăng 14% so với đầu năm, cho thấy những giải pháp gỡ khó thị trường bắt đầu có tác dụng.

Tuy nhiên, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản 5 tháng lại giảm 1,3% trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%. Điều này cho thấy nhà đầu tư bất động sản cá nhân và người mua nhà tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư. Việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá bất động sản, theo Thống đốc, là những giải pháp thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực này.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất theo bà Hồng đã trở về mức trước dịch Covid-19, sau các nỗ lực liên tiếp hạ lãi suất điều hành thời gian qua. Bà cho biết, Ngân hàng Nhà nước là số ít ngân hàng trung ương giảm lãi suất trong bối cảnh các nước vẫn giữ lãi suất ở mức cao (đến 15/6, trên toàn thế giới có 101 lượt tăng lãi suất).

Hiện tại, nhà điều hành cũng chỉ đạo các nhà băng rà soát thủ tục, hồ sơ để tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp. Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đến nay các ngân hàng đã thực hiện với 2.800 khách hàng.

"Ngân hàng Nhà nước cũng đang xem xét và sớm thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng thời gian tới, theo chỉ đạo của Thủ tướng", Thống đốc thông tin.

Quỳnh Trang

Chính Phủ quyết định lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội 4,8%/năm

Mức lãi suất cho vay ưu đãi này được Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 486/QĐ-TTg ngày 10/5/2023 về mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở.

Theo đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở là 4,8%/năm. Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/5/2023 đến ngày 31/12/2024.

Trước đó, đầu tháng 4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Ngân hàng đồng loạt giảm tiếp lãi suất tiết kiệm sau nghỉ lễ

Ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, một số ngân hàng như NamA Bank, KienLongBank và Saigonbank đồng loạt giảm lãi suất huy động.

Theo đó, lãi suất tiết kiệm trực tuyến tại NamA Bank thay đổi kể từ hôm nay (4/5), theo hướng điều chỉnh giảm. Kỳ hạn 6 tháng giảm 0,1% xuống 8,5%/năm. Kỳ hạn 7-8 tháng cũng giảm 0,1% xuống 8,6%/năm, trong khi các kỳ hạn 9-11 tháng giảm 0,2% xuống 8,4%/năm.

Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng được NamA Bank giảm 0,2% xuống còn 8,5%/năm. Đây cũng là mức lãi suất được áp dụng với các kỳ hạn 13-14 tháng.

Với các kỳ hạn từ 15 tháng trở đi, NamA Bank giảm 0,2% lãi suất, đồng loạt tại mức 8,4%/năm.

Ngân hàng KienLongBank bắt đầu giảm mạnh 0,2%-0,4% lãi suất các kỳ hạn ngay sau kỳ nghỉ lễ. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng giảm 0,2% còn 8,1%/năm, kỳ hạn 9 -12 tháng giảm 0,3% còn 8,2%/năm; kỳ hạn 15-18 tháng giảm 0,4% còn 8%/năm.

Ngân hàng Saigonbank cũng giảm lãi suất huy động kể từ hôm nay, với mức giảm từ 7,9% xuống còn 7,6%/năm đối với các kỳ hạn từ 6-8 tháng. Lãi suất các kỳ hạn từ 9-11 tháng cũng giảm 0,3%, từ 8% về mức 7,7%/năm.

Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại Saigonbank đang ở mức 8%/năm sau thời gian dài niêm yết tại 8,3%. Lãi suất kỳ hạn 13 tháng giảm về mức 8,6%/năm, đây là kỳ hạn có lãi suất cao nhất đối với tiết kiệm trực tuyến tại Saigonbank. Trong khi lãi suất các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên đều giảm 0,3% về mức 7,6%/năm.

Ngoại trừ các ngân hàng nói trên, lãi suất các ngân hàng còn lại không thay đổi so với trước.

Hiện chỈ có 3 ngân hàng duy trì lãi suất từ 9% ở một số kỳ hạn, gồm HDBank, OCB, và ABBank.




Vietcombank dành 30.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội

Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chính thức triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội. Thời hạn giải ngân đến khi doanh số giải ngân đạt 30.000 tỷ đồng nhưng không quá ngày 31/12/2030. Thời gian ưu đãi lãi suất là 3 năm đối với chủ đầu tư và 5 năm đối với người mua nhà.


Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 và Công văn hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai chương trình của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chính thức triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, với quy mô 30.000 tỷ đồng.

Đối tượng vay vốn là khách hàng pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định.

Thời hạn giải ngân đến khi doanh số giải ngân đạt 30.000 tỷ đồng nhưng không quá ngày 31/12/2030. Thời gian ưu đãi lãi suất là 3 năm đối với chủ đầu tư và 5 năm đối với người mua nhà.

Lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2%/năm so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ. Lãi suất cho vay cụ thể theo thông báo của Vietcombank trong từng thời kỳ. Điều khoản và điều kiện chi tiết của chương trình quy định tại Nghị quyết 33, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và hướng dẫn của Vietcombank.

Theo đại diện lãnh đạo ngân hàng, là ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam luôn chủ động thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank cam kết triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích đối với khách hàng đáp ứng đủ điều kiện chương trình vì mục tiêu tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; từ đó góp phần phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước.

Hồng Anh

Bắt đầu giải ngân cho vay gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng

Đến nay, có 2 ngân hàng bắt đầu triển khai cho vay ưu đãi theo gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.

Ngày 14/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông báo triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với quy mô giải ngân 30.000 tỷ đồng.

Theo đó, đối tượng vay vốn là chủ đầu tư dự án và người mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định.

Một nhà ở xã hội tại huyện Hoài Đức, Hà Nội (Ảnh: Như Ý).

Thời hạn giải ngân kết thúc khi doanh số giải ngân đạt 30.000 tỷ đồng, nhưng không quá ngày 31/12/2030.

Lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2%/năm so với lãi suất cho vay trung dài hạn Việt Nam đồng bình quân của các Ngân hàng thương mại Nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ. Lãi suất cho vay cụ thể theo thông báo của Vietcombank trong từng thời kỳ.

Thời gian ưu đãi lãi suất là 3 năm đối với chủ đầu tư và 5 năm đối với người mua nhà.

Trước đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) là ngân hàng đầu tiên thông tin về gói tín dụng thực hiện theo Nghị quyết 33.

Agribank cho biết ngoài hạn mức vay theo quy định, nếu khách hàng là người mua nhà có tài sản bảo đảm bổ sung, sẽ được áp dụng mức vay tối đa bằng 85% tổng mức đầu tư của phương án.

Sau 10 năm kể từ khi có gói tín dụng đầu tiên dành cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội với trị giá 30.000 tỷ đồng được triển khai (năm 2013) thì tới 2023 mới tiếp tục có gói tín dụng lớn dành cho phân khúc nhà ở này.

Cập nhật về hoạt động cho vay trong lĩnh vực bất động sản từ đầu năm, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước - cho biết tính đến hết tháng 2, dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản đã đạt trên 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 2,19% so với cuối năm 2022. Trong đó, tăng trưởng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản là 6,45% và bất động sản tự tiêu dùng, sử dụng tăng 0,25%.

Về cơ cấu, hiện dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản vẫn chiếm 33% tổng dư nợ trong lĩnh vực này, tương đương hơn 858.000 tỷ đồng, trong khi 67% còn lại (tương đương hơn 1,74 triệu tỷ đồng) là cho vay bất động sản tự sử dụng.

Theo báo Tiền phong

Từ hôm nay, quy định mới về ‘mua bán nhà trên giấy’ có hiệu lực

Thông tư 11/2022 của NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2023, trong đó quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Thông tư quy định, sau khi ký hợp đồng mua bán, chủ đầu tư phải gửi hợp đồng này cho ngân hàng thương mại để đề nghị phát hành thư bảo lãnh cho bên mua.

Ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai (còn gọi là nhà trên giấy) khi trong giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng và không bị cấm, hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Từ hôm nay (1/4), quy định mới về ‘bán nhà trên giấy’ sẽ có hiệu lực. (Ảnh minh họa)

NHNN sẽ công bố công khai danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong từng thời kỳ trên cổng thông tin điện tử của cơ quan này.

Ngân hàng thương mại xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi chủ đầu tư đáp ứng đủ các yêu cầu quy định (trừ trường hợp ngân hàng thương mại bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng); dự án của chủ đầu tư đáp ứng đủ các điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản và quy định của pháp luật có liên quan.

Ngân hàng thương mại có nghĩa vụ phát hành thư bảo lãnh cho bên mua trước thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở. Ngân hàng và chủ đầu tư thỏa thuận cụ thể về việc gửi thư bảo lãnh cho bên mua sau khi phát hành thư bảo lãnh.

Hồ sơ bên mua gửi cho ngân hàng yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phải kèm theo thư bảo lãnh. Thư bảo lãnh có hiệu lực kể từ thời điểm phát hành cho đến ít nhất sau 30 ngày kể từ thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.

Trường hợp ngân hàng thương mại và chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trước thời hạn, các thư bảo lãnh đã phát hành cho các bên mua trước đó vẫn có hiệu lực cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt.

Số tiền bảo lãnh cho một dự án nhà ở hình thành trong tương lai tối đa bằng tổng số tiền chủ đầu tư được phép nhận ứng trước của bên mua theo quy định tại Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản và các khoản tiền khác (nếu có) theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.

Theo Châu Anh/ VTC News

Quy trình cho vay tại Ngân hàng

 

Quy trình cho vay tại Ngân hàng​

Với mỗi khách hàng vay, Ngân hàng đều sẽ xử lý theo một quy trình cho vay được quy định sẵn. Khách hàng vay hoặc dự định vay cần biết quy trình này để có cơ sở giám sát, đốc thúc Nhân viên Ngân hàng, đảm bảo khoản vay được thực hiện đúng tiến độ.





Quy trình cho vay tại Ngân hàng
Bước đầu tiên của quy trình cho vay được bắt đầu từ việc có thông tin, tiếp xúc với khách hàng:

Bước này Nhân viên Ngân hàng có nhiệm vụ thu thập thông tin khách hàng, những thông tin cơ bản khách hàng cần cung cấp, trao đổi với Nhân viên Ngân hàng bao gồm:
  • Nhu cầu vay: Khách hàng muốn vay bao nhiêu tiền? Thời gian bao lâu?
  • Mục đích vay: Khách hàng muốn vay để làm gì? Nếu vay để mua thì mua gì? Đã ký Hợp đồng chưa? – Nếu vay để kinh doanh thì là kinh doanh mặt hàng gì? quay vòng vốn trong bao lâu? – Trường hợp vay tiêu dùng thì có thể bỏ qua câu hỏi này.
  • Tài sản đảm bảo: Khách hàng có tài sản để đảm bảo cho khoản vay sắp tới không? Nếu có thì tài sản là gì? Nhà đất hay xe oto hay tài sản gì khác?
  • Thu nhập của khách là bao nhiêu: Ngân hàng chấp nhận các nguồn thu nhập từ lương (có đủ hồ sơ như bước 2). Ngân hàng sẽ hỏi hàng tháng Khách hàng có nguồn thu nhập ổn định không? Nguồn thu đến từ đâu? Hàng tháng nhận bao nhiêu tiền? Ngoài nguồn thu của bản thân thì còn nguồn thu nào khác không (cho thuê nhà, thuê xe, cho thuê tài sản…) hoặc vợ/chồng có thu nhập không?….

Lưu ý: Khách hàng nên cung cấp thông tin chi tiết và trung thực nhất có thể để rút ngắn thời gian thẩm định của Ngân hàng.

Bước 2 của quy trình cho vay: Hướng dẫn khách hàng chuẩn bị hồ sơ thủ tục.
Sau khi thu thập xong thông tin của khách hàng, căn cứ trên điều kiện thực tế của từng khách, nhân viên Ngân hàng sẽ hướng dẫn khách hàng cung cấp hồ sơ vay chi tiết. Mỗi khách hàng sẽ có một bộ hồ sơ khác nhau, tuy nhiên về cơ bản hồ sơ khách hàng cần cung cấp bao gồm:

Hồ sơ pháp lý:
  • CMND/CCCD hoặc hộ chiếu của khách hàng vay;
  • Sổ hộ khẩu hoặc KT3 trong trường hợp chưa có hộ khẩu tại nơi muốn vay vốn
  • Đăng ký kết hôn (trường hợp đã có vợ hoặc chồng) hoặc Xác nhận tình trạng hôn nhân (trường hợp độc thân)
Hồ sơ tài chính:
Bao gồm tất cả các hồ sơ chứng minh nguồn thu nhập của bạn, ví dụ:
  • Nếu nguồn thu từ lương: HĐLĐ còn hạn, bảng lương hoặc sao kê lương
  • Nếu nguồn thu từ kinh doanh: Đăng ký kinh doanh, sổ sách bán hàng, hóa đơnn (nếu có);
  • Nếu nguồn thu từ cho thuê tài sản: Chứng từ chứng minh quyền sở hữu tài sản thuê, chứng từ chứng minh thu nhập từ tài sản thuê.
Hồ sơ tài chính cần chi tiết, rõ ràng, càng chi tiết rõ ràng thì Ngân hàng sẽ xử lý hồ sơ càng nhanh.
Hồ sơ mục đích sử dụng vốn:
Đơn giản nhất là bạn dùng tiền để làm gì thì bạn cần chuẩn bị chứng từ liên quan đến mục đích sử dụng vốn của bạn để cung cấp cho Ngân hàng. Theo quy định của Pháp luật, các khoản vay Ngân hàng đều phải chứng minh có mục đích sử dụng vốn hợp pháp.
Ví dụ, một số trường hợp như sau:
  • Mục đích sử dụng vốn là Mua nhà, Mua xe: Bạn cần chuẩn bị hợp đồng mua bán, giấy đặt cọc, các thông báo nộp tiền (nếu có)
  • Mục đích xây sửa nhà: Bạn cần chuẩn bị sổ đỏ của ngôi nhà xây sửa, bản dự toán xây sửa …
  • Mục đích kinh doanh: cần chuẩn bị đăng ký kinh doanh, báo cáo tài chính hoặc báo cáo thu chi các năm trước, định hình kế hoạch và nhu cầu vốn trong năm tương lai (cụ thể Ngân hàng sẽ hướng dẫn thêm);
  • Mục đích tiêu dùng: Mục đích này hiện đang được Ngân hàng hỗ trợ, Khách hàng hầu như không bị yêu cầu hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn. Thay vào đó một số Ngân hàng yêu cầu Khách hàng ký cam kết sử dụng vốn vay tiêu dùng hợp pháp.
Hồ sơ tài sản đảm bảo:
Trong các trường hợp Khách hàng mua nhà, mua xe và đảm bảo bằng chính Nhà hoặc xe mua thì không cần chuẩn bị thêm hồ sơ.

Trường hợp mục đích khác hoặc dùng tài sản khác thì khách hàng cần chuấn bị Hồ sơ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản định thế chấp cho Ngân hàng (VD: BĐS thì là sỏ đỏ/sổ hồng; Xe oto thì là đăng ký xe …).

Trường hợp dùng tài sản của bên thứ 3 làm tài sản thế chấp, Khách hàng sẽ cần cung cấp thêm CMND, SHK của chủ sở hữu tài sản.

Bước 3 của quy trình cho vay: Thẩm định
Sau khi có thông tin khách hàng, song song với việc Khách hàng chuẩn bị hồ sơ, Ngân hàng sẽ tiến hành thẩm định khách hàng. Thẩm định là quá trình Ngân hàng sẽ xem xét lại toàn bộ hồ sơ khách hàng cung cấp, đánh giá thông tin, đánh giá thực địa tại nơi làm việc, nơi ở của Khách hàng. Dùng các biện pháp nghiệm vụ để đối chiếu, xác minh từ đó xác định sự phù hợp với các điều kiện của Ngân hàng của Khách hàng.

Thẩm định là bước quan trọng và mất nhiều thời gian, tuy nhiên khách hàng càng cung cấp thông tin đầy đủ thì bước thẩm định sẽ càng nhannh.

Trong quá trình thẩm định Nhân viên Ngân hàng có thể có thêm câu hỏi cho chính Khách hàng hoặc những người liên quan cần thiết và có thể yêu cầu Khách hàng cung cấp thêm hồ sơ bổ sung.

Để quá trình thẩm định thuận lợi, khách hàng nên chủ động bố trí thời gian tiếp, nói chuyện, và cung cấp bổ sung hồ sơ kịp thời.

Bước 4 của quy trình cho vay: Phê duyệt khoản vay
Sau khi Nhân viên Ngân hàng thẩm định xong, sẽ lập các đề xuất tín dụng và xin phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền. Trên cơ sở hồ sơ và các thông tin cho nhân viên báo cáo, cấp có thẩm quyền sẽ tiến hành phê duyệt khoản vay.

Trong một số trường hợp (thường là những khoản vay lớn), sẽ có bộ phận độc lập khác tiến hành thẩm định lại hồ sơ khách hàng một lần nữa để đảm bảo tính khách quan, minh bạch.

Nếu nhận được thông tin khoản vay cần thẩm định thêm, bạn cũng đừng lo lắng, đó chỉ là thủ tục của Ngân hàng thôi. Cứ bình tĩnh xử lý các thông tin tiếp theo theo yêu cầu của Ngân hàng.

Bước 5 của quy trình cho vay: Quyết định cho vay và các thủ tục giải ngân
Nếu bạn được thông báo khoản vay đã được duyệt thì chúc mừng bạn. Còn một chút thủ tục nữa thôi là bạn sẽ nhận được tiền của Ngân hàng. Từ lúc này lưu ý kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ gốc (của những hồ sơ photo đã cung cấp Ngân hàng ở bước 2) và đợi thông báo tiếp theo của Ngân hàng.

Cố gắng thu xếp thời gian khi Ngân hàng mời làm thủ tục để tránh lỡ công việc của bạn. Thường không có quá nhiều trục trặc trong bước này nên khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm chờ đợi.

Chỉ có một lưu ý nhỏ: Cần đọc kỹ thông báo cho vay, vì trên đó sẽ ghi rõ điều kiện cho vay, các thông tin về thời hạn, lãi suất, biên độ … và đọc kỹ hợp đồng vay trước khi ký.
Cơ bản các bước trong quy trình cho vay của Ngân hàng là vậy. Để hoàn thành các bước này, nhiều Ngân hàng thường quảng cáo là cho vay trong 24h hoặc 48h hoặc 5 ngày, 7 ngày – nhưng đó là các trường hợp lý tưởng, hồ sơ đơn và và đầy đủ ngay. Còn lại thời gian xử lý khá lâu. Vì vậy nếu xác định vay Ngân hàng thì khách hàng cần tìm hiểu trước khoảng 1-2 tháng trường thời điểm cần dùng tiền để tránh bị lỡ kế hoạch sử dụng vốn.

Ngân hàng